Tóm tắt nội dung [Hiển thị]
Chùa Ba Vàng - ngôi chùa linh thiêng được xây dựng nơi địa thế tọa sơn, tràn đầy vẻ đẹp hùng vĩ, trang nghiêm. Không những vậy, đến với chùa Ba Vàng du khách thập phương có thể cảm nhận sự bình yên, thanh thản bởi những bậc đá rêu phong, những tiếng chuông văng vẳng nhẹ nhàng trong không gian thanh tịnh, xoá tan bao nỗi muộn phiền trong cuộc sống.
Vậy nên, hãy cùng khám phá những điều tuyệt vời về ngôi chùa Ba Vàng qua bài viết dưới đây nhé!
Chùa Ba Vàng nay thuộc phường Quang Trung, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh.
Ngôi chùa tọa lạc trên lưng chừng núi Thành Đẳng, bao quanh hai bên là những dãy núi trùng trùng điệp điệp nối đuôi nhau, phía trước là Bạch Đằng giang uốn lượn, xa xa là cảng Hải Phòng, hút tầm mắt là biển Đồ Sơn với muôn trùng sóng vỗ càng tạo nên vẻ hùng vĩ, bề thế cho ngôi cổ tự.
Bên trái là những dãy núi Thanh Long trùng điệp chầu về, bên phải là những dãy núi Bạch Hổ hùng vĩ phục xuống. Tham quan và trải nghiệm nơi đây hứa hẹn sẽ mở ra những điều thú vị, độc đáo cho quý du khách trong lộ trình khám phá “ngôi chùa khai sơn từ thời nhà Trần”.
Có thể bạn quan tâm: Khám phá vẻ đẹp chùa Ba Vàng qua bộ ảnh cổ trang thời Trần
Chùa Ba Vàng có địa chỉ thuộc phường Quang Trung, Uông Bí, Quảng Ninh
Để có thể dễ dàng đến chùa Ba Vàng, quý du khách có thể chọn lựa hai phương tiện di chuyển sau đây:
Với phương tiện xe khách, từ trung tâm thành phố Hà Nội đến chùa Ba Vàng khoảng 130km, du khách di chuyển sẽ mất từ 2 đến 3 tiếng đồng hồ. Tại Hà Nội, du khách di chuyển tới các bến xe như Mỹ Đình, Gia Lâm, Giáp Bát,...(tùy thuộc vào địa điểm gần nơi của mình ở), tại đây sẽ có các chuyến xe tuyến Hà Nội - Uông Bí với giá vé dao động trong khoảng 90.000 - 100.000VND/ vé.
Sau khi tới Uông Bí, du khách di chuyển bằng taxi với giá khoảng 50.000 VND để lên tham quan chùa Ba Vàng.
Với phương tiện cá nhân, du khách di chuyển cung đường hướng về cầu Chương Dương - Nguyễn Văn Cừ - tới Bắc Ninh rồi theo quốc lộ 18 (là tuyến đường đi qua 4 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương và Quảng Ninh) sẽ đặt chân tới ngôi chùa Ba Vàng.
Cách di chuyển đến chùa Ba Vàng
Đến với địa điểm đầu tiên trong hành trình khám phá Ba Vàng, quý du khách chắc hẳn sẽ bị thu hút khi bắt gặp cánh cổng mang tên “Cổng đá chùa Ba Vàng”. Bởi tại nơi đây, mười bức tượng khắc họa hình ảnh những bóng huỳnh y giải thoát của 10 Đại đệ tử của Đức Phật ôm bình bát khất thực gieo duyên hóa độ ngàn nhà tái hiện chân thật truyền thống cao quý từ thời Đức Phật còn tại thế.
Ngày nay, tiếp nối hạnh nguyện của Đức Phật, chư Tăng chùa Ba Vàng miên mật thực hành pháp hạnh đầu đà: sống ở trong rừng, ngày ăn một bữa, trì bình khất thực,... sống đời thiểu dục tri túc, mong nguyện làm lợi ích cho chúng sinh và giữ gìn mạng mạch Phật Pháp trụ lâu dài thế gian.
Cổng đá chùa Ba Vàng
Đi hết cung đường cờ hoa dọc lên chùa, quý du khách chắc hẳn sẽ dừng chân để ngắm nhìn vẻ đẹp bề thế, oai nghi nhưng không kém phần cổ kính của ngôi cổng Tam Quan Trung. Đây được xem là nơi dẫn du khách bước vào hành trình chiêm bái ngôi chùa kỳ vĩ nơi non thiêng Thành Đẳng.
Lạ thay, khi bước vào cổng chùa, du khách có thể cảm nhận không gian yên bình và an lạc nơi đất Phật, sự nhẹ nhàng, thanh thản trong tâm hồn, khác xa với chốn ồn ào, náo nhiệt nơi phố thị
Tam Quan Trung chùa Ba Vàng
Tiến vào bên trong cánh cổng, du khách sẽ không khỏi ngạc nhiên khi trước mặt là dòng thác với tiếng nước chảy róc rách qua từng khe đá tạo nên những âm thanh hết sức vui tai.
Thác nước Từ bi chùa Ba Vàng
Tất cả không gian nơi đây từ cây cối, mây nước, cảnh sắc, hoa lá... hòa quyện với nhau tạo nên bức tranh thủy mặc thiền vị nơi Phật môn khiến du khách cảm thấy thư thái, an nhiên.
Dọc theo những con đường bậc thang làm bằng đá tự nhiên, du khách sẽ được chiêm ngưỡng tôn tượng Ngài Quán Thế Âm Bồ Tát trang nghiêm trên đài sen. Đây được coi là một trong những pho tượng nguyên khối lớn nhất Việt Nam với chiều cao 10 mét, trọng lượng gần 50 tấn, được các nghệ nhân điêu khắc từ đá hoa cương (đây là một loại đá tự nhiên, độc đáo, sang trọng, độ cứng chỉ sau kim cương, sau khi đánh bóng thì nó sẽ tồn tại gần như vĩnh viễn) nguyên khối tại Vũng Tàu vào năm 2013.
Tôn tượng được dựng trước Tết Nguyên Đán năm Quý Tỵ chỉ vỏn vẹn trong 3 ngày với hình ảnh mẹ hiền Quán Thế Âm tay cầm bình nước cam lộ chan rải từ bi, an lạc tới cho khắp chúng sinh
Tôn tượng Ngài Thiên Thủ Quan Âm
Khi nghe đến tên “chùa Một Cột”, liệu quý du khách có cảm thấy tò mò và thích thú khi tại chùa Ba Vàng lại xuất hiện hình ảnh chùa Một Cột - trái tim của thủ đô Hà Nội? Vậy nên, còn ngần ngại gì mà không rảo bước thật nhanh để nắm trọn và tận hưởng mọi khoảnh khắc tuyệt đẹp nơi đây?
Chùa Một Cột tại chùa Ba Vàng
Sự kết hợp cảnh tượng uy nghi, cổ kính của chùa Một Cột và thơ mộng, hữu tình của hồ Bán Nguyệt, chắc chắn sẽ không làm quý du khách thất vọng. Đặc biệt, tại đây, đối trước chùa Một Cột và tôn tượng Ngài Thiên Thủ Quan Âm nghìn mắt nghìn tay được điêu khắc từ gỗ hương đỏ - là chốn linh thiêng để cầu nguyện con cái, tướng mạo, bình an trong cuộc sống.
Hồ Bán Nguyệt chùa Ba Vàng
Nếu ai đã từng ghé qua vườn Bồ Đề (hay vườn hồng) thì cứ ngỡ như mình đang lạc vào khu vườn hoa trong chuyện cổ tích. Những loài hoa đủ sắc màu, xanh bạt ngàn của cây cỏ, chiếc cầu gỗ mộc mạc quen thuộc,... tất cả tạo nên một bức tranh thiên nhiên đầy sức sống giúp quý du khách phần nào tan đi những phiền muộn trong cuộc sống.
Hãy cầm điện thoại lên để check-in, lưu giữ khoảnh khắc và trải nghiệm đáng nhớ và ấn tượng tại nơi đây.
Vườn Bồ Đề chùa Ba Vàng
Không chỉ nổi tiếng với cảnh sắc hùng vĩ, chùa Ba Vàng còn tạo nên sự ấn tượng độc đáo, thu hút nhiều du khách bởi cổng thành đồ sộ mang tên “cổng Tam Quan nội”. Tại đây, quý du khách chắc hẳn trầm trồ bởi sự hùng vĩ hiếm có của kiến trúc được xây dựng với chiều dài hơn 23 mét, chiều cao 15 mét, 29 bậc đá cùng những câu đối tinh xảo được thiết kế trên hai bề mặt của cổng thành. Tất cả tạo nên một khung cảnh vô cùng tuyệt đẹp!
Trước cổng Tam Quan là lá cờ Tổ Quốc Việt Nam và lá cờ Phật giáo treo song hành, tung bay trong gió mang thông điệp nhân văn đó là Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc. Phật Pháp luôn hướng tới sự nghiệp phát triển trí tuệ và đạo đức của mỗi quốc gia để ngày càng phát triển, thịnh hưng.
Cổng Tam Quan chùa Ba Vàng
Cổng Tam Quan nội chùa Ba Vàng
Một điểm độc đáo là tại cổng Tam Quan nội, khi hướng tầm mắt ra xa, quý du khách có thể ngắm nhìn toàn cảnh thành phố Uông Bí với con sông Bạch Đằng đang êm đềm chảy, hoặc thảnh thơi chiêm ngưỡng toàn cảnh sân Chính điện chùa Ba Vàng.
Đi dọc hành lang sân chùa, quý du khách được chiêm bái tôn tượng của 18 vị La Hán. Trong Phật giáo, A La Hán là quả vị cao nhất trong tứ Thánh quả. Đức Phật và A La Hán đều là những người hoàn toàn đoạn tận buồn phiền của tam giới, vĩnh viễn ra khỏi luân hồi sinh tử. Tuy nhiên, Đức Phật là một vị A La Hán đặc biệt, sự giác biết của Ngài vượt lên trên tất cả. Các vị A La Hán là đệ tử của Đức Phật, thành tựu quả vị giác ngộ dưới sự giáo dưỡng của Ngài.
Dãy hành lang La Hán tại chùa Ba Vàng biểu trưng cho cánh cửa của mỗi người khi tìm về với sự trong sạch, phạm hạnh thanh cao nơi bậc Thánh giải thoát.
Điều duy nhất chỉ có ở chùa Ba Vàng là nơi đây được Hội Kỷ lục gia Việt Nam vinh danh là “Ngôi chùa có tòa chính điện trên núi lớn nhất Đông Dương” vào năm 2014. Mái vòm chùa cong cong màu đỏ gạch cùng những họa tiết được điêu khắc tinh xảo nổi bật trên nền trời xanh ngát, sự uy nghi, sừng sững của ngôi Chính điện giữa đất trời bao la, quả thực là cảnh sắc hùng vĩ, uy nghiêm và thiền vị giữa vùng núi non Thành Đẳng.
Chính điện chùa Ba Vàng
Chính điện chùa Ba Vàng
Bật mí cho quý du khách, Chính điện (hay còn gọi là ngôi Đại Hùng Bảo Điện) tráng lệ của chùa Ba Vàng chỉ mất hơn ba năm xây dựng. Đó là thành quả của Tâm Bồ Đề quảng đại từ nơi Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh cùng chư Tăng bổn tự; cùng với đó là sự ủng hộ của các cấp chính quyền địa phương, tấm lòng phụng sự nhiệt tình của quý Phật tử và trên hết là sự gia hộ của mười phương chư Phật để làm sao cho thật nhiều nhân dân, Phật tử về đây được kết duyên với Tam Bảo, đảnh lễ Chư Phật, nghe giảng Phật Pháp. Từ đó áp dụng giúp cuộc sống trở nên hạnh phúc và an lạc.
Đặc biệt trong ngôi Chính điện, Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh cho điêu khắc 37 bức tranh tái hiện những sự kiện trọng đại trong cuộc đời Đức Phật từ lúc Ngài đản sinh cho đến khi nhập cõi Niết bàn. Qua đó giúp quý du khách hiểu hơn về tấm lòng từ bi vô lượng, trí tuệ sáng suốt trong quá trình Ngài hành đạo, cứu giúp hết thảy chúng sinh thoát khỏi mê lầm để từ đó khởi tâm cung kính, tri ân và đảnh lễ Đức Phật.
Đến với giếng Thần, du khách không khỏi ngạc nhiên khi biết rằng mạch nước ngầm trong giếng nước cổ không bao giờ cạn, nguồn nước nơi đây vừa thanh mát lại vừa trong lành. Tương truyền, vào đêm giao thừa, ai có duyên uống nước giếng Thần thì cả năm sẽ được an vui, hạnh phúc.
Trong dân gian cũng có truyền tụng rằng nước giếng Thần có khả năng chữa được bệnh tật (kể cả bệnh nan y). Vì vậy, mong rằng khi ghé qua nơi đây, quý du khách hãy thưởng thức những dòng nước thiêng tinh khiết sẽ giúp tâm hồn mỗi người trở nên sảng khoái, tích cực.
Giếng thần chùa Ba Vàng
Giếng thần chùa Ba Vàng
Tôn tượng Đức Phật đản sinh một tay chỉ trời, một tay chỉ đất đứng uy nghiêm trên tòa cửu long chắc chắn sẽ khiến quý du khách không thể rời mắt. Bởi sự kết hợp giữa màu xanh ngọc tuyệt đẹp của đài sen cùng màu trắng “bồng bềnh” của mây trời, màu đỏ của mái chùa và cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ nơi núi rừng, tất cả đã tạo nên một khung cảnh rất đỗi linh thiêng và độc đáo lạ thường.
Tượng Đức Phật đản sinh chùa Ba Vàng
Tượng Đức Phật đản sinh chùa Ba Vàng
Nằm ở phía bên trái của Chính điện, bảo tàng là nơi lưu giữ những cổ vật mà Sư Tổ Ma Ha Sa Môn Tuệ Bích Phổ Giác để lại và cũng là nơi ghi dấu những hình ảnh, vật dụng của Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh trong những ngày đầu về chùa Ba Vàng xây dựng và hoằng truyền Phật Pháp.
Bảo tàng chùa Ba Vàng
Tiếp tục khám phá điểm độc - lạ và chỉ có tại tại ngôi chùa trên núi Thành Đẳng, quý du khách không thể bỏ lỡ đền Liệt sĩ - nơi thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh với bức tượng bán thân lớn, được đúc bằng đồng nguyên chất; hai bên thờ tôn tượng hai vị Đại Tướng đầu tiên của quân đội nhân dân Việt Nam là Đại Tướng Võ Nguyên Giáp và Đại Tướng Nguyễn Chí Thanh.
Đền thờ anh hùng liệt sĩ chùa Ba Vàng
Phụng Tổ Đường tầng 1 chùa Ba Vàng
Ngoài ra đây còn là nơi lưu giữ 12 Pho đại sách lưu danh hơn 10 vạn Anh hùng với 3 kỷ lục đã được xác lập: Kỷ lục Thế giới, Kỷ lục châu Á và Kỷ lục Việt Nam. Bên cạnh đó, du khách có cơ hội cung kính lễ bái anh linh các anh hùng liệt sỹ, thể hiện tâm tri ân và đền ân của mình. Bởi nhờ có sự hy sinh cao cả của thế hệ ông cha đi trước mà giờ đây đất nước mới được sống trong thái bình, phát triển.
Tọa lạc ngay sau ngôi Đại Hùng Bảo Điện, tựa lưng vào núi Ba Vàng với rừng thông xanh vi vút, Nhà thờ Tổ là nơi thờ phụng chư vị Tổ Sư:
Sơ Tổ Phật hoàng Trần Nhân Tông
Sư Tổ: Nhị Tổ Pháp Loa
Tam Tổ Huyền Quang
Tổ Sư khai sơn chùa Ba Vàng là Ma Ha Sa Môn Tuệ Bích Phổ Giác.
Tôn tượng Tổ Sư khai sơn chùa Ba Vàng là Ma Ha Sa Môn Tuệ Bích Phổ Giác
Tôn tượng Đệ tam Tổ Trúc Lâm: Sơ Tổ Phật hoàng Trần Nhân Tông (ở giữa), Nhị Tổ Pháp Loa (bên phải), Tam Tổ Huyền Quang (bên trái)
Bên cạnh đó, Phụng Tổ Đường tầng 2 còn khắc họa hình ảnh các Tổ Sư: Ngài Lục Tổ Huệ Năng, Ngài Ca Diếp, Ngài Ưu Ba Yết Đa,... qua những bức tranh tuyệt tác.
Qua đó mô phỏng con đường tự giác giác tha của chư vị Tổ Sư từ Ấn Độ, Trung Hoa và qua các thời đại truyền bá Phật Pháp tới khắp nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Dọc theo con đường hoa thơ mộng, quý du khách tiếp tục chuyến hành trình lên chiêm ngưỡng, đảnh lễ tượng Phật A Di Đà và chiêm bái Xá Lợi Phật. Cao quý, hạnh phúc thay nếu quý du khách thành tâm cung kính đảnh lễ, cúng dường Xá Lợi Phật thì chắc chắn sẽ nhận được vô lượng phước báu, khiến cuộc sống hiện đời trở nên tốt đẹp và xa hơn là có duyên lành hướng tới thành tựu Niết bàn giải thoát.
Tháp xá lợi Phật chùa Ba Vàng
Một điểm nhấn tại nơi đây là đường lên chiêm bái thánh tượng và Xá Lợi khá dốc, được khéo thiết kế thành những bậc tam cấp uốn lượn ôm lấy những vườn cỏ xanh mướt với điểm độc đáo là những tảng đá tự nhiên cùng đài phun nước ngọc Mani lớn nhất cả nước tạo nguồn cảm hứng cho du khách khi tiếp bước về phía Phật đài.
Vườn xuân tâm linh, tượng phật A di đà
Bước chân theo những bậc thang được sắp xếp kỳ công từ hàng ngàn viên đá tự nhiên, quý du khách sẽ lên được đỉnh núi để chiêm ngưỡng cây Bồ Đề và ngôi Đại Bảo Tháp.
Núi Bồ Đề chùa Ba Vàng
Chắc chắn rằng, khung cảnh nơi đây sẽ tạo cảm giác thích thú cho du khách khi được ngắm nhìn toàn bộ cảnh chùa và thành phố Uông Bí từ trên cao. Đây là địa điểm tham quan cuối cùng trong lộ trình khám phá ngôi Bảo Quang tự nhưng chắc chắn mang lại cảm giác bình an, hạnh phúc và ấn tượng sâu sắc trong lòng mỗi người.
Núi Bồ Đề chùa Ba Vàng
- Tham quan quanh chùa Ba Vàng với mức giá 0 đồng, không có hoạt động kinh doanh trong chùa, miễn phí mọi dịch vụ đón chào hàng nghìn lượt du khách mỗi ngày.
+ Trông giữ xe miễn phí
+ Nước uống và đồ ăn miễn phí
+ Mỗi nơi lễ Phật, tham quan đều có Phật tử hướng dẫn
- Không mang đồ ăn mặn, rượu, chất kích thích tới chùa; không vứt rác bừa bãi, không tùy tiện ngắt hoa, bẻ cành; trang phục chỉnh tề, trang nghiêm, thanh lịch, phù hợp nơi chùa chiền thanh tịnh.
- Mất hay quên đồ thì liên hệ với Ban Tri Khách của chùa (SĐT: 0203.655.7799 hoặc 0962.368.620) để tìm lại.
Hy vọng bài viết trên sẽ khiến quý du khách ngay lập tức muốn xách balo, đặt chuyến xe,... lên đường tới vùng đất mỏ Quảng Ninh - nơi “sở hữu” ngôi chùa Ba Vàng đẹp tựa tranh vẽ. Hãy cùng bạn bè và gia đình tới chùa Ba Vàng ngay nhé!
Có thể bạn quan tâm: Du lịch Quảng Ninh tất tần tật
23-08-2022
07-09-2022
23-03-2023
02-04-2023
22-03-2023
24-06-2023
23-03-2023
11-04-2024
11-04-2024
23-11-2023
30-08-2023
28-08-2023
14-08-2023
12-08-2023
25-06-2023
24-06-2023
0941 143 567 / 0982 01 2890
0982 01 2890 / 0941 143 567
muaban24h.contact@gmail.com